Hãy nhớ rằng, cơ hội chỉ đến với ta một lần, ai biết trân quý thì sẽ nắm chặt lấy và tận dụng thành công.
Câu chuyện về chú tuấn mã…
Chuyện kể rằng có một con tuấn mã vóc dáng rắn rỏi, khỏe mạnh, sức có thể chạy ngàn dặm. Thế nhưng chú vẫn đang đợi một người chủ tốt.
Một ngày nọ, có thương nhân đến hỏi con tuấn mã: “Ngươi có bằng lòng theo ta không?”. Con tuấn mã lập tức lắc đầu: “Ta là một chiến mã tốt, làm sao có thể đi theo ông và chở hàng được chứ”.
Một hôm khác, một binh sĩ đến hỏi con tuấn mã: “Ngươi có bằng lòng theo ta không?”. Con tuấn mã lại lắc đầu trả lời: “Ta là một chiến mã tốt, sao ta có thể phục vụ một binh sĩ bình thường như ông đươc”.
Sau đó ít lâu, lại có một thợ săn đến hỏi: “Ngươi có bằng lòng theo ta không?”. Con tuấn mã vẫn lắc đầu: “Ta là một chiến mã tốt, làm sao ta lại phải làm đầy tớ cho ông”.
Ngày này qua ngày khác, con tuấn mã vẫn chưa tìm được một người chủ lí tưởng mà nó thực sự muốn. Khi có người đến hỏi, nó vẫn lắc đầu từ chối.
Rồi một hôm, nó nghe nói có vị khâm sai đại thần của triều đình tuân lệnh vua đi tìm một con ngựa tốt. Vậy là nó liền đến tìm vị này và nói: “Ta chính là con chiến mã mà ông đang muốn tìm đây!”
Vị khâm sai hỏi: “Vậy ngươi có thuộc đường đi của nước chúng ta không?”. Con tuấn mã lắc đầu.
Vị này lại tiếp tục hỏi: “Vậy ngươi đã có kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường chưa?”. Con tuấn mã lại lắc đầu.
Vị quan khâm sai lấy thế làm băn khoăn: “Vậy ngươi có thể làm gì cho ta?”. Con tuấn mã nói: “Ban ngày ta có thể đi nghìn dặm, ban đêm đi tám trăm dặm mà không biết mệt mỏi là gì”.
Thấy vậy, vị khâm sai đại thần liền yêu cầu nó chạy một đoạn xem thế nào. Nhưng dù đã dùng hết sức, phóng nước đại chạy về phía trước, con tuấn mã cũng chỉ đi được một đoạn ngắn rồi thở hồng hộc, mồ hôi đầm đìa.
Vị khâm sai liền lắc đầu: “Ngươi già rồi, không dùng được”, nói vậy ngài liền quay lưng bỏ đi.
… và ý nghĩa ẩn đằng sau đó
Chú tuấn mã trong câu chuyện kể trên đã ba lần ngoảnh mặt từ chối với cơ hội. Chú đã quá tự mãn, luôn tự cho mình là tài giỏi, xuất chúng nên không xứng đáng làm những việc tầm thường như chở hàng, ra chiến trận hay theo chân người thợ săn.
Việc luôn cho rằng mình tài giỏi thì phải làm những việc cao sang nên khi những cơ hội đến, rất đáng để thử nhưng chú đều tự mình vứt bỏ hết cả.
Nhưng chú đâu có biết rằng, cơ hội đến với mình không phải tự nhiên mà có, mọi thứ đều bắt nguồn từ nhân duyên mà ra.
Nắm lấy cơ hội thì ta mới có được một quá trình rèn luyện. Nếu chú tuấn mã kia chấp nhận làm những việc mà chú cho là tầm thường kia thì có lẽ, khi có cơ hội lớn hơn – được phục vụ triều đình và nhà vua, chắc chắn chú sẽ vượt qua bài khảo sát của quan khâm sai.
Nhưng thật đáng tiếc, dù đã được quan khâm sai cho thêm vài cơ hội để thể hiện nhưng chú đều không làm được vì thiếu kinh nghiệm, thiếu sự rèn giũa để vượt qua thử thách.
Nhìn từ câu chuyện chú tuấn mã, hẳn ai cũng nhìn thấy được chính sự tự mãn đã giết chết một tài năng. Đáng ra, tài năng ấy có thể đã được đem ra giúp ích cho đời, nhưng chỉ vì sự ích kỉ, tự kiêu tự đại mà tài năng ấy đã tự chôn sống mình một cách vô nghĩa.
Chính vì lẽ đó, dù có tài năng đến mấy mà luôn tỏ ra kiêu ngạo sẽ khiến bạn chẳng bao giờ làm nên chuyện gì cả. Những ai hay kiêu ngạo thường tỏ ra biết hết mọi chuyện trên đời, thế nhưng giỏi lý thuyết mà không có thực tiễn thì cũng không thể chạm tới thành công.
Ngược lại, nếu bạn khiêm tốn, kiên nhẫn, không ngại khó khăn, gian khổ chăm chỉ tu dưỡng đạo đức chờ cơ hội để phát huy thì đó mới là phẩm chất của nhân tài.